Chiều 17/10, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố kết quả khảo sát nước mắm trên toàn quốc. Theo đó, có đến 101/150 mẫu được kiểm định chất lượng có hàm lượng asen (thạch tín) vượt ngưỡng cho phép.
Thông tin này đã khiến ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản 584 Nha Trang phải bận rộn nhận điện thoại từ qua đến nay.
Khách dọa trả hàng
Theo ông Diệp, ngay khi thông tin này mới được công bố, doanh nghiệp của ông đã nhận đề nghị giải trình từ phía các siêu thị và nhà phân phối nước mắm.
"Bên cạnh đó một số người tiêu dùng lẻ đã 'lắc cắc' đến trả lại hàng cho doanh nghiệp. Chúng tôi đang phải gấp rút tập hợp thông tin để công bố, giải thích với người tiêu dùng cũng như nhà phân phối", ông Diệp nói.
Theo đúng quy chuẩn truyền thống, nước mắm gồm cá và muối. Tại các làng nghề nước mắm, cá sau khi đánh bắt về được các cơ sở sản xuất nước mắm thu mua tại ghe và đưa về muối mắm ngay. Ảnh: Đình Hòa.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó giám đốc doanh nghiệp tư nhân chế biến thực phẩm Hạnh Phúc (đơn vị có hai sản phẩm có tên trong danh sách nhiễm asen của Vinatas, là nước mắm Hạnh Phúc 50 độ đạm và 60 độ đạm), cho biết cách công bố của Vinatas không rõ ràng, dễ gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
"Asen hữu cơ là hoạt chất tự nhiên sinh ra từ bản thân con cá đem làm mắm, hoàn toàn không gây độc đối với người sử dụng. Còn asen vô cơ gây độc nhưng chẳng có nhà sản xuất nước mắm nào đem cho vào sản phẩm, vì chất này không có bất cứ tác dụng nào đối với nước mắm", ông Hùng cho hay.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Hùng, doanh nghiệp của ông không hề biết chuyện Vinatas lấy mẫu nước mắm của mình đem đi kiểm nghiệm. Chỉ khi tổ chức này công bố kết quả và khách hàng của công ty gọi điện phản ánh, thậm chí đòi trả lại sản phẩm, ông mới hay.
Ông Hùng cho rằng cách làm này là không rõ ràng, gây hoang mang dư luận và tổn hại đến DN. “Hạnh Phúc vẫn đang đợi ý kiến từ phía Bộ Y tế”, ông Hùng nói.
Bà Nguyễn Thị Tịnh, nguyên Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc, cũng cho biết ngay khi thông tin này được công bố, nhiều siêu thị, nhà bán lẻ đã yêu cầu các cơ sở nước mắm truyền thống tại Phú Quốc phải giải trình. Điều này đang gây ảnh hưởng đến uy tín của rất nhiều thương hiệu.
“Người tiêu dùng có kiến thức sẽ hiểu vấn đề nhưng rất nhiều người ở nông thôn hoặc những vùng thiếu thông tin, họ nghe thì sợ liền. Người tiêu dùng bị đánh tráo khái niệm, khó phân biệt đâu là nước mắm đâu là nước chấm nên hoang mang. Đó là thông tin tiêu cực giết sản phẩm truyền thống này”, bà Tịnh bình luận.
Nhiều DN sản xuất nước mắm có sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu… cho biết họ chưa từng gặp vấn đề từ nước nhập khẩu về chuyện asen, trong khi các nước đều kiểm soát chặt chẽ và kết quả kiểm tra chưa bao giờ vượt ngưỡng.
Giám đốc một công ty có tên trong bảng danh sách nước mắm nhiễm asen của Vinatas tỏ bức xúc: "Hiệp hội lấy mẫu kiểm nghiệm, dù là mẫu ngẫu nhiên trên thị trường thì cũng cần thông tin cho DN. Không thể lẳng lặng lấy mẫu rồi công bố như vậy”.
Ai giám sát việc lấy mẫu, kiểm nghiệm của Vinastas?
Theo ông Diệp, về nguyên tắc khi phát hiện thông tin phản ánh, đơn vị có liên quan phải lập đoàn kiểm tra và phải có cơ quan thứ 3 cùng đi để đối chứng. "Vinatas lấy mẫu trên thị trường thì tôi cũng không biết họ lấy mẫu của DN nào. Hơn nữa, quy chuẩn Việt Nam công bố về hàm lượng asen là quy định cho nước chấm, chứ không phải cho nước mắm", ông Diệp nói.
Còn bà Tịnh bày tỏ hoài nghi về quy trình kiểm tra và công bố kết quả của Vinatas.
Bà cho rằng có nhiều băn khoăn cần làm rõ. Cụ thể, Vinatas có thực sự là đơn vị có chức năng đi lấy mẫu kiểm nghiệm hay không? Nếu đơn vị này thấy có sự bức xúc về tình hình nước mắm thì phải đề nghị cơ quan chức năng thành lập đoàn đi lấy mẫu kiểm tra, chứ sao tự dưng đi lấy mẫu.
Thứ 2, Vinatas đã kiểm tra đơn vị nào? Ai đi cùng, kiểm tra bao nhiêu ngày mà kiểm hết 150 mẫu nước mắm?
"Chúng tôi đi kiểm nghiệm có 2-3 mẫu nước mắm ở Viện Pastuer, TP.HCM mà mất 12 ngày rồi", bà Tịnh đặt vấn đề.
Việc thứ 3, theo bà Tịnh, khi Vinatas lấy mẫu nước mắm đã có sự đồng ý của doanh nghiệp chưa. Và lấy mẫu có niêm phong rõ ràng không?
Bà Tịnh một lần nữa khẳng định Tiêu chuẩn Việt Nam 5107 năm 2003 không quy định về hàm lượng asen trong nước mắm, chỉ quy định hàm lượng này ở nước chấm dưới 10 độ đạm.
“Nước mắm đạm cao là nước mắm nguyên chất thì chứa asen là đương nhiên, bởi asen hữu cơ có sẵn trong cá. Còn nước mắm công nghiệp sản xuất từ đâu? Họ lấy nước mắm truyền thống về pha phụ gia vào. Một chai nước mắm nguyên chất pha thành bao nhiêu chai nước chấm như thế. Có mấy phần trăm mắm còn tới tận chín mấy phần trăm nước thì làm gì có asen?”, bà Tịnh bức xúc.
Theo chuyên gia về an toàn thực phẩm Vũ Thế Thành, asen hay arsenic ở dạng vô cơ rất độc, còn asen hữu cơ hầu như là không độc. Trong cá, asen tồn tại ở cả hai dạng vô cơ và hữu cơ, trong đó dạng vô cơ chiếm rất ít.
Các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan,… và ngay cả ủy ban Codex của WHO và FAO, không quy định asen trong nước chấm làm từ cá. Việt Nam thì có quy định asen trong nước chấm, tối đa 1mg/lít, nhưng đó là asen vô cơ. Tuy nhiên, các phòng thí nghiệm trong nước chỉ phân tích được asen tổng (gồm cả hữu cơ và vô cơ), nên kết quả mà Vinastas đưa ra là nói về asen tổng, không có ý nghĩa để nói về vấn đề an toàn.
Xem thêm: Máy bơm nước
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét